Cải biên dựa theo câu chuyện dân gian Bắc Tống
Phần Một
Nguyện làm uyên ương
không ao ước thần tiên
Đoạn chêm
"Cổ kim chú" của Thôi Báo
có viết:"Uyên ương, thủy cầm, loài vịt giời, con cái và con đực không
bao giờ sống xa nhau. Con người cũng giống như vậy, nếu một người tương
tư mà chết, sẽ được ví như loài chim này". Uyên ương đậu cùng đậu, bay
cùng bay.
Một
Tôi muốn kể một câu chuyện về một cô gái lầu xanh thời Bắc Tống.
Đương nhiên, không phải
ngay từ khi mới được sinh ra, tôi đã nhuốm phải son phấn hồng trần. Từ
một tiểu thư khuê các, chân chưa từng bước ra khỏi cửa, miệng cười không
lộ răng đến một kỹ nữ uốn éo gợi tình dường như chỉ là một giấc mơ, khi
bừng tỉnh, tôi lại trở về với khu vườn đào đó,
Dưới bóng cây râm mát, nụ
cười nở trong đôi mắt, gió nhẹ hây hây thổi, trong không gian trầm bổng
đó là một tình yêu mới chớm nở.
Rất lâu rất lâu sau đó, tất cả sẽ lại trở về rất lâu rất lâu trước đó, ai cũng không phải là ai của ai.
Tôi phải uốn lưỡi vài cái cho thuận miệng, bởi vì câu chuyện quá khứ mà tôi muốn kể rất dài và rất xa...
Cha tôi là một hào lý có
tiếng trong vùng, trông ông lúc nào cũng nghiêm nghị, ít nói ít cười; mẹ
là một người phụ nữ hiền thục, dịu dàng. Mỗi lần thấy tôi rơi nước mắt
vì miếng vải bó chân bị thít chặt quá gây đau đớn, nhân lúc cha không có
nhà, mẹ lại ôm tôi vào lòng rồi khóc. Đương nhiên, việc mẹ có thể làm
được chỉ là khóc mà thôi.
Tôi vẫn không hiểu tại sao
con gái lại phải bó chân, mà hình dạng đôi chân sau khi bó càng dị hình
càng được coi là đẹp. Tôi mơ hồ, bất mãn nhưng cũng chưa từng nghĩ tới
chuyện chống đối, mà tôi cũng chẳng có sức lực để chống đối.
Cha tôi hơi béo nhưng lại
rất cao lớn. Cha là người đàn ông duy nhất mà tôi được thường xuyên nhìn
thấy. Em trai còn quá nhỏ, vì vậy, tôi thường không coi nó là một người
khác giới. Từ trước tới giờ, cha thường rất ít khi nói chuyện với tôi,
còn tôi, cũng vì sợ hãi mà chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào ông. Trong
trí nhớ của tôi, cha chưa bao giờ mỉm cười, ít nhất là cũng chưa bao giờ
cười với tôi.
Từ nhỏ, tôi đã được nuôi
dạy để trở thành một cô gái con nhà thế gia vọng tộc, hiền thục, ngoan
ngoãn và biết phục tùng. Cho tới tận năm mười lăm tuổi, tôi vẫn chưa
từng một lần bước chân ra khỏi cổng nhà mình.
Tất nhiên, trước khi hiểu
được thế nào là hạnh phúc, tôi vẫn rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại;
khi chưa biết đến tình yêu, tôi vẫn không hiểu thế nào là nhớ nhung da
diết; trước khi thực sự được gặp những người khác giới, tôi vẫn cho
rằng, tất cả những người đàn ông trên thế gian này đều đáng sợ như cha,
vì thế tôi không nghĩ nhiều về chuyện này, chỉ dám kính nhi viễn chi.
Tôi cũng đã từng nghe một
cô bé a hoàn, mặt mũi đỏ lựng, ấp a ấp úng kể về câu chuyện tình yêu
chưa có mở đầu đã đến hồi kết thúc của nó. Sau khi nghe xong, tôi bèn
cười giễu cợt nó bằng một ánh mắt hết sức ranh mãnh, cười đến nỗi chính
bản thân cô a hoàn đó cũng cảm thấy rằng phụ nữ có dính dáng tới tình
yêu thì thật đáng xấu hổ, không có lòng tự trọng. Cuối cùng, cô bé che
mặt bỏ chạy. Từ đó, cô ấy cũng không bao giờ nhắc lại chuyện đó với tôi
nữa.
Tôi cũng có những thú vui
riêng của mình: Tôi thích thả cho diều giấy bay cao thật cao, cao tới
nỗi dường như có thể chạm được cả vào bầu trời. Sáng sớm, tôi thường dạo
chơi trong vườn hoa, để váy áo được nhuốm đẫm mùi hương hoa nhài. Tôi
còn dùng chiếc vợt tự tay đan lấy để bắt những chú bướm cánh tím, nhưng
bắt xong, thấy thương xót, tôi lại mở lòng từ bi, thả chúng bay đi. Thả
chúng đi rồi, tôi còn vẩy vẩy tay áo, ra vẻ không màng tới sự biết ơn
của chúng. Những lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng hài lòng, giống như mình
vừa làm được một việc thiện vậy. Sau bữa cơm tối, tôi thường ngồi trên
căn gác lửng, khe khẽ gảy khúc Tứ Trương Cơ ... Cuộc sống dường
như không biết tới u sầu, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ. Ngày tháng trôi
đi một cách êm đềm như mặt hồ phẳng lặng, thong dong tự tại.
Phía sau nhà tôi là khu
vườn đào khá rộng. Những cây hoa đào đứng sừng sững, bao bọc bởi hồ nước
và những hòn giả sơn. Ánh nắng ban mai đầu mùa hạ còn vương vấn những
giọt sương đêm, mây mù khi tỏ khi mờ, cảnh sắc như chốn bồng lai luôn
khiến lòng người say đắm.
Hôm đó, tôi vô tư dạo bước trong vườn đào, chốc chốc lại dừng bước ngắm những bóng nắng xuyên qua kẽ lá.
Khi đó, tôi đã nhìn thấy chàng, nhìn thấy người đàn ông mà tôi vương vấn suốt cả cuộc đời.
Năm đó, tôi vừa tròn mười
lăm tuổi, lần đầu tiên được nhìn thấy một người khác giới trạc độ tuổi
hai mươi. Tôi chăm chăm nhìn chàng một cách hiếu kỳ, chàng cũng quan sát
tôi một cách không hề khách khí. Tôi nghi ngờ, phải chăng chú chim đang
đậu trên cành cây kia đã thay tôi chuyển đi thông điệp từ trái tim, bởi
vì, chàng đang bất ngờ tiến về phía tôi.
Tôi vội vã cúi đầu xuống,
nhưng sâu thẳm tận đáy lòng, tôi đã yêu thích ánh nhìn chăm chú ấy của
chàng mất rồi! Suy nghĩ đó khiến tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Dù là bộ quần áo trắng
muốt chàng đang mặc trên người hay là những bước chân mạnh mẽ mà dứt
khoát, dù là ánh mắt tự nhiên phóng khoáng hay đôi môi nhìn như đang
cười mà không phải là cười kia, trong mắt tôi, đó đều là sự lịch thiệp
và khoáng đạt vô bờ bến!
Tôi đang đứng trước một
cây hoa đào, cành cây như những sợi dây tình cảm vấn vương, lá cây tựa
như những đôi mắt đẹp. Khuôn mặt tôi được những cánh hoa nhuộm thành một
màu hồng rực. Trước khi cụp mắt xuống, tôi còn kịp nhìn thấy chàng đưa
tay lên.
Chàng hái một cành hoa
đào, cài lên mái tóc của tôi, tay áo chàng khẽ lướt qua tôi, tôi ngửi
thấy một mùi hương vô cùng mạnh mẽ, hấp dẫn. Chàng là người đầu tiên
khiến tôi cảm nhận được cảm giác ấm áp khi tiếp xúc giữa một chàng trai
và một cô gái.
Khi tay của chàng chạm vào
tóc tôi, trống ngực tôi đập liên hồi, tôi bất an, tôi lo lắng, tôi xấu
hổ, tôi hoảng loạn, tôi không biết mình nên làm gì ... nhưng cảm giác mơ
hồ đó lại đem tới cho tôi một chút lưu luyến và chờ đợi.
Chờ đợi? Tôi không biết rằng tôi đang chờ đợi điều gì. Tôi chỉ cảm thấy mặt mũi mình đang đỏ lựng lên vì ý nghĩ táo bạo đó!
Cuối cùng, tôi cũng ngẩng đầu lên, khoảng cách gần gũi giữa chàng và tôi khiến tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt.
Chàng đang mỉm cười, nụ cười của chàng thật đẹp, đôi mắt của chàng trong veo và hiền hậu.
Thế là, tôi lại chỉ dám cúi đầu, nhìn xuống bàn chân chàng.
Chàng có đôi bàn chân rất lớn. Tôi đã tưởng tượng được sự vững chắc và mạnh mẽ trong mỗi bước đi của chàng.
Đứng đối diện với nhau hồi
lâu mà không nói được lời nào, tôi muốn trốn chạy, muốn xua tan cảm
giác bất an mà chàng đã mang đến cho tôi. Nhưng tôi lại không hề nhúc
nhích, chân tay tôi như bị một sợi dây vô hình nào đó trói chặt lại. Đó
là cảm giác mà tôi không thể chế ngự nổi.
"Tiểu thư..."
Vừa hay, con bé a hoàn
thân cận chạy tới tìm tôi. Tôi quay người lại trả lời theo bản năng, hồn
vía cuối cùng cũng đã trở về với thân xác tôi.
Tôi quay lại nhìn chàng trai xa lạ rồi che mặt, vội vàng rời khỏi nơi đó.
Tôi thề rằng, ánh nhìn lần cuối đó, là ánh nhìn dào dạt ý xuân về một tình yêu mơ hồ mới chớm nở.
Tôi thấy mình rất không tự trọng, giống như cô bé a hoàn ấp ủ tình xuân dạo đó, nhưng lại không thể tự dằn lòng mình được.
|
Hai
Khi dùng bữa tối, tôi lại nhìn thấy chàng bên bàn ăn.
Mẹ bảo tôi tới chào anh họ. Tôi còn không kịp ngạc nhiên, vội đứng dậy.
"Anh họ." Tôi cúi đầu, chào chàng theo đúng nghi lễ.
"Em họ không cần phải đa
lễ!" Giọng nói của anh họ thật ấm áp, hồn hậu. Âm thanh ấy cứ bay lượn
trên đầu tôi, khiến khuôn mặt tôi bỗng dưng lại đỏ ửng lên.
Khẽ ngước mắt lên, tôi bắt
gặp ánh mắt sâu thẳm của anh họ đang nhìn mình, tôi giật mình cúi đầu
xuống thật thấp. Trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm, bởi vì trước khi
tới đây, tôi cũng đã trang điểm một chút, thoa một chút son phấn và kẻ
một chút đôi lông mày.
Trong phòng ăn, tiếng
những người đàn ông nói chuyện rất lớn, trong đó có cả giọng nói tự
nhiên thoải mái mà khiêm tốn hòa nhã của anh họ.
Tôi là con gái, thân phận thấp hèn, tôi buộc phải cúi đầu im lặng.
Nhưng rốt cuộc tôi đã
không tự kiềm chế nổi bản thân, chốc chốc lại khẽ liếc trộm về phía anh
họ. Trong lòng tôi đang thầm so sánh chàng với hình ảnh những chàng công
tử hào hoa mà tôi đã được đọc trong sách.
Thỉnh thoảng, ánh mắt của
tôi cũng bất chợt gặp phải ánh mắt "tình cờ" của chàng, khuôn mặt tôi
lại được dịp ửng đỏ vì xấu hổ, không thể nào ngăn cản được dòng chảy rạo
rực đang dâng tràn trong lồng ngực.
Khi bữa ăn kết thúc, quan
khách đã về hết, tôi nghe mẹ nói anh họ sẽ ở lại nhà tôi vài hôm, trong
lòng tôi lúc ấy vô cùng khấp khởi.
Trên đường trở về phòng,
trong đầu tôi đầy ắp những hình ảnh khi nhìn đối diện với anh họ, vừa
vui sướng vừa xấu hổ. Trong lúc lơ đãng, tôi đã vô tình đánh rơi chiếc
khăn tay xuống đất.
Vừa khom gối xuống định nhặt lại, chiếc khăn đã bị một bàn tay to lớn nắm lấy.
Là anh họ!
Chàng nhặt chiếc khăn lên, nhìn tôi rồi nở một nụ cười rạng rỡ, để lộ hàng răng trắng muốt, đều đặn.
"Em họ, của em này."
Tôi thẹn thùng liếc nhìn
chàng, đôi mắt chàng như đang xoáy sâu vào khuôn mặt tôi! Hai má tôi
bỗng chốc lại đỏ ửng lên. Từ trước đến giờ, tôi không biết rằng mình lại
hay đỏ mặt như vậy. Đang chuẩn bị đưa tay ra đón lấy chiếc khăn, tôi
lại nhìn thấy nó bị nắm chặt trong bàn tay chàng, dường như chàng không
hề có ý định buông ra. Tôi bỗng dưng tưởng tượng mình là chiếc khăn tay
thêu hoa kia, đang được chàng ôm chặt trong vòng tay rắn chắc...
Tôi lại cảm thấy xấu hổ quá.
Không biết phải làm thế nào, tôi quay người bỏ chạy theo bản năng.
Bỏ lại phía sau là giọng nói đầy ngạc nhiên của anh họ: "Em họ, khăn tay của em này!".
Tôi không dám quay đầu
nhìn lại, càng cố gắng chạy nhanh hơn. Tôi chạy một mạch về khuê phòng.
Con bé a hoàn vừa hay lại trở nên nhanh mồm nhanh miệng: " Thưa thiếu
gia, tiểu thư chúng em nói rằng, chiếc khăn tay ấy là dành tặng cậu đấy
ạ!".
Về đến phòng mình đã lâu
mà trống ngực tôi vẫn đập thình thịch. Anh họ không chạy đuổi theo, tôi
thở phào, nhưng lẫn trong đó có một chút thất vọng.
Ráng chiều hôm ấy đỏ rực một cách lạ thường. Trong chiếc gương bằng đồng, khuôn mặt tôi còn đỏ hơn cả sắc đỏ của ráng chiều đó.
Đêm hôm ấy, tôi mang trong
lòng một nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, cảm giác ngọt ngào xen lẫn xấu
hổ cứ hiện rõ trên khóe môi, trằn trọc khó ngủ.
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi
đứng trên căn gác lửng, nhìn theo bóng một người trong vườn đào phía
sau nhà. Bóng dáng ấy có lúc đứng yên nhìn xa xăm, có lúc lại cúi đầu
trầm ngâm suy nghĩ.
Chàng đang đợi tôi ư?
Suy nghĩ đó khiến toàn thân tôi run lên vì xúc động.
Vì tính cách kín đáo và
cũng vì được hưởng sự giáo dục nghiêm khắc dành cho các thiếu nữ nên tôi
không bước xuống khỏi căn gác. Trong đầu tôi, ngay cả dũng khí bước
xuống khỏi căn gác đó cũng không có, bởi vì, chỉ cần nghĩ đến điều đó
thôi, cũng đã là tội lỗi rồi.
Những việc mà tôi có thể làm được lúc bấy giờ chỉ là âm thầm nép sau cửa phòng, nhìn trộm về phía có hình bóng của anh họ.
Chàng đang ngắm nghía một vật gì đó màu trắng trên tay. Tôi đoán, đó là chiếc khăn tay thêu hoa của mình.
Anh họ đứng trong vườn đào
bao nhiêu lâu, tôi cũng đứng trên lầu trộm ngắm chàng bấy nhiêu lâu.
Thậm chí, những ngày tháng sau đó, khi chàng đã rời khỏi nhà tôi, tôi
vẫn ngây người ngồi nhìn về phía khu vườn đào.
Con bé a hoàn dường như đã đoán được chuyện gì đó, nó nhìn tôi cười trộm. Tôi giả vờ tức giận đuổi nó ra khỏi phòng.
Hai ngày sau đó, tôi như người có tật giật mình, cứ ở lì trong phòng, ngay cả khi ăn cơm cũng vậy.
Tôi muốn gặp anh họ nhưng
cũng lại sợ gặp chàng. Tôi sợ thứ tình cảm ái mộ đó của mình với người
khác giới. Từ nhỏ, mẹ đã thường nói với tôi, đó là biểu hiện của người
không biết giữ mình trong sạch, không biết liêm sỉ.
Nhưng sáng sớm những ngày sau đó, anh họ đều đứng một mình rất lâu trong khu vườn đào.
Tôi không biết chàng đứng
đó để ngắm cảnh hay để chờ đợi, trong sâu thẳm tận đáy lòng mình, tôi
vẫn không dám thừa nhận nỗi mong mỏi và khát vọng của bản thân.
Tôi chỉ là một cô gái. Tôi không có tư cách để lựa chọn điều gì cả,
Việc trộm ngắm chàng vào
mỗi buổi sáng sớm là động lực cho sự chờ đợi và nụ cười của tôi mỗi
ngày. Đương nhiên, tôi không dám hé răng tiết lộ với bất kỳ ai về hành
động đại nghịch vô đạo này của mình.
Đó là bí mật của riêng một mình tôi.
Mặt trời đang độ rực rỡ,
cánh hoa còn ngậm sương đêm, hương thơm vườn đào bồng bềnh lan tỏa, chim
non ríu rít trên những cành cây, ở nơi đó, có ý trung nhân của tôi. Tôi
có thể mỉm cười mỗi khi nhìn về phía chàng.
Sáng sớm ngày thứ tư, hình bóng anh họ không còn xuất hiện trong khu vườn đào nữa.
Nghe đám a hoàn nói rằng, chàng đã dọn đi khỏi nhà tôi từ chiều ngày hôm trước.
Tôi không còn được nhìn
thấy chiếc khăn tay thêu hoa của mình nữa, anh họ chắc đã mang nó đi
theo rồi. Chiếc khăn ấy giống như tôi, được chàng luôn mang theo bên
người. Nghĩ đến đó, tâm trạng trống trải của tôi được an ủi đôi phần.
Anh họ đi rồi, khu vườn rộng rãi sau một đêm bỗng trở nên hoang vắng. Nơi ấy cũng chẳng còn điều gì có thể thu hút tôi được nữa.
Tôi vứt bỏ đám diều giấy, cũng chẳng buồn ngắm nhìn những chú bướm xinh.
Những lúc rỗi rãi, tôi lại ngồi lên lầu, nơi có thể nhìn về phía khu vườn đào rồi đàn bài Tứ Trương Cơ.
Bà vú già nói rằng, tiểu thư đã đến độ tuổi tương tư rồi đấy.
Tôi hỏi mẹ, tương tư là gì, mẹ vuốt vuốt mái tóc tôi, trong đôi mắt mẹ ngập tràn sự lưu luyến, mãi mà chẳng nói một lời nào.
Khi nỗi niềm băn khoăn của tôi còn chưa tìm được lời giải đáp, người mai mối đã tìm đến nhà.
|
Ba
"Thế nào gọi là tam tòng?"
"Vị giá tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử."
"Thế nào gọi là tứ đức?"
"Bốn đức tính cần phải có ở người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh."
Ngày xuất giá đã được định đoạt, nghe nói, cha là người quyết định chọn ngày hoàng đạo.
Mấy ngày sau đó, mẹ vô
cùng ân cần đối với tôi. Mẹ luôn miệng nhắc nhở tôi, sau khi xuất giá,
tôi không còn là người của nhà này nữa rồi, phải hiếu thuận với cha mẹ
chồng, giúp chồng nuôi dạy con cái.
Tam tòng tứ đức, giữ mình trong sạch, chung thủy hết lòng...
Tôi làm bộ hiểu mà không
hiểu, xấu hổ và hoang mang. Tôi muốn hỏi xem chú rể có phải là anh họ
không nhưng rồi lại không dám hỏi.
Ngày lên kiệu hoa, mẹ đích
thân chải tóc cho tôi, nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy son phấn của
mẹ. Mẹ nói rằng, hy vọng tôi sẽ không bao giờ phải quay trở về nhà nữa.
Vậy thì tôi sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ nữa ư? Tôi sà vào lòng mẹ, hai mẹ con ôm lấy nhau mà khóc.
Con bé a hoàn gần gũi của tôi bấy lâu nay cũng liên tục đưa tay lau nước mắt, nó nói, tiểu thư đi rồi, em biết làm gì bây giờ.
Cậu em trai kém tôi ba
tuổi cũng rất lưu luyến khi phải chia tay chị. Tôi dặn dò nó, chị đi
rồi, em nhớ phải thay chị chăm sóc cha mẹ. Em trai tuổi còn nhỏ, nhưng
khi nghe chị dặn dò cũng gật đầu rất mạnh mẽ và dứt khoát. Trong lòng
tôi, lần đầu tiên cũng đã thầm coi cậu em bé bỏng là một người "đàn ông"
đích thực .
Chỉ có điều, tôi không nhìn thấy cha.
Khi tấm khăn màu đỏ đã được trùm lên đầu, mẹ luôn miệng dặn tôi, dù thế nào cũng không được tự gỡ nó xuống.
Tôi gật đầu. Nhờ ánh sáng
bên ngoài, tôi nhìn thấy trên khăn trùm đầu có thêu một đôi chim uyên
ương. Nghe nói, uyên ương là một loài chim rất trọng tình cảm, cả đời
không bao giờ thay đổi bạn tình, lúc nào cũng yêu thương nhau, mãi mãi
không chia lìa.
Đôi uyên ương thêu trên
chiếc khăn trùm kia như đang muốn bay lên... Tôi tưởng tượng ra hình ảnh
tân lang chính là anh họ, tôi và chàng cũng giống như một đôi chim uyên
ương.
Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng
mình thấp thỏm không yên, thêm vào đó là chút vui mừng xen lẫn thẹn
thùng của người con gái lần đầu tiên xuất giá.
Khi tôi đã ngồi yên trên kiệu hoa, một giọng nói trầm đục vang lên :" Khởi kiệu".
Đó là giọng của cha.
Bỗng dưng tôi cảm thấy vô
cùng buồn bã. Tôi nhớ đến hình ảnh người cha hiếm khi mỉm cười của mình.
Giờ phút này, không biết cha có chút tình cảm thương xót nào đối với
đứa con gái của mình hay không.
Khoảnh khắc cảm nhận được
nhịp đung đưa của chiếc kiệu hoa cũng là lúc tôi biết rằng mình đang rời
xa ngôi nhà đã nuôi dưỡng tôi suốt mười lăm năm qua, có lẽ suốt quãng
đời còn lại, tôi cũng không còn cơ hội gặp lại những người thân của mình
nữa.
Tôi nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Nước mắt thấm ướt cả chiếc khăn tôi đang cầm trên tay.
Từ khi được sinh ra cho
tới năm mười lăm tuổi, tôi chưa một lần bước chân ra khỏi cổng nhà. Lần
đầu tiên "đi" ra ngoài này khiến tôi không khỏi hiếu kỳ.
Không biết, bên ngoài bức tường cao vời vợi kia là một thế giới như thế nào.
Tôi muốn đưa tay vén trộm chiếc khăn trùm đầu lên để nhìn, nhưng nhớ đến lời dặn dò của mẹ, tôi lại cố gắng dằn lòng.
Mẹ đã dặn rằng, tuyệt đối không được để chiếc khăn trùm đầu rơi xuống, đó là dấu hiệu của sự không may mắn.
Tôi phải nghe theo lời mẹ dặn, tôi phải ra dáng một tiểu thư con nhà gia giáo, hiểu lễ nghi và biết phục tùng.
Vậy là, cho đến tận khi xuống kiệu hoa, bái lạy trời đất, tôi luôn tỏ ra mình là một tân nương vô cùng nhu mì, đoan trang.
Bận rộn suốt một ngày, toàn thân ê ẩm, tôi vừa mệt vừa đói. Cuối cùng, tôi cũng được đưa tới phòng tân hôn.
Đêm cuối cùng ở nhà, mẹ đã
đến, định nói cho tôi hiểu những chuyện gì sẽ xảy ra sau lễ vu quy,
muốn giải thích cho tôi hiểu động phòng là gì, nhưng mẹ cứ ngập ngừng
mãi không cất lời. Tôi tròn xoe mắt, ngạc nhiên hỏi mẹ: "Mẹ muốn nói gì
vậy?". Mẹ ấp úng định nói nhưng rồi lại thôi: "Không có gì, ngày mai con
sẽ biết cả thôi".
Dù toàn thân đau mỏi, tôi
vẫn cố gắng ngồi ngay ngắn bên mép giường, không dám cử động mạnh. Hôm
nay tôi sẽ biết hết ư? Tôi cũng không dám nghĩ nhiều.
Lúc này, trong căn phòng
lung linh ánh nến, chỉ có một mình tôi. Tôi cúi đầu xuống, cố gắng xem
có nhìn thấy chút gì sau chiếc khăn trùm đầu không, ngoài một chiếc
giường lạ lẫm và đôi bàn tay đang nắm chặt lấy nhau vì hồi hộp của tôi
ra, chẳng nhìn thấy điều gì khác nữa.
Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, tôi muốn khóc nhưng lại không dám.
Cuối cùng, khi không thể gắng gượng được nữa, tôi thiếp đi trong mơ hồ.
Đêm đã rất khuya rồi, có người đẩy cửa bước vào phòng. Tôi lập tức choàng tỉnh, sửa mình ngồi cho ngay ngắn.
Người ấy dường như đang đi
về phía tôi, rồi dừng lại. Qua khe hở phía dưới tấm chăn trùm đầu, tôi
nhìn thấy một đôi chân rất to. Tôi hồi hộp đến nỗi toàn thân rung lên.
Đầu óc tôi lúc bấy giờ trở nên trống rỗng. Trước mắt tôi bỗng lóe sáng, chiếc khăn trùm bị giật xuống một cách thô lỗ.
Tôi kêu lên một tiếng theo
phản xạ tự nhiên, người hơi ngả về phía sau, đôi mắt mở to nhìn về phía
người vừa giật chiếc khăn trùm đầu xuống.
Trái tim tôi khẽ nhói đau - không phải là anh họ!
Nhưng cũng là một chàng trai trẻ, mặt mũi thanh tú với đôi môi đỏ và hàm răng trắng.
Chàng dường như không hài lòng với phản ứng vừa rồi của tôi, đôi lông mày lập tức nhíu lại.
Chàng đăm đăm nhìn tôi,
tôi cũng hoang mang nhìn chàng, không biết phải làm sao. Chúng tôi cách
nhau gần như vậy, tôi không biết chàng sẽ làm gì tôi nữa.
Cuối cùng, chàng không nhìn tôi nữa mà quay người đi về phía chiếc bàn.
Trên bàn đặt hai cây nến đỏ rất to với dòng chữ song hỷ.
Những giọt nến không ngừng rơi xuống, chúng giống như những giọt nước mắt màu đỏ máu.
Trên bàn còn có hai ly
rượu, chàng cầm một ly lên, ngửa cổ uống cạn một hơi. Sau đó, dùng hai
ngón tay, nhấc chiếc ly còn lại, đưa đến trước mặt tôi.
Chàng không nói một lời nào, dùng ánh mắt ra hiệu cho tôi uống nó. Một uy lực khó có thể cưỡng lại tràn đầy trong đôi mắt ấy.
Tôi run rẩy đón lấy ly rượu, nhăn mặt nhíu mày uống một hơi. Rượu mạnh, rất đắng và cay, khó mà nuốt vào cổ họng.
Chàng buông ly rượu, bắt đầu cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người.
Chàng cởi chúng một cách
vô cùng gấp gáp và thô bạo, dường như trong lớp quần áo kia có một con
rắn độc khiến chàng phải vứt bỏ chúng ra thật nhanh vậy.
Khi chàng cởi đến lớp vải cuối cùng, trần truồng đứng trước mặt tôi, hồn vía tôi đã bay hết lên mây rồi.
Sau đó, chàng hổn hển bước gần về phía tôi, tôi né tránh theo bản năng, định chạy lại về phía cửa ra vào.
Nhưng mới chạy được hai
bước, tôi đã bị ôm lại từ phía sau. Tôi kêu lên thất thanh, muốn giãy
giụa để thoát khỏi vòng tay đó nhưng lại càng bị ôm chặt hơn.
Tôi bị ném lên giường một cách thô bạo, ngay sau đó, cả tấm thân nặng nề đè chặt lên người tôi.
Tôi không biết phải làm thế nào, chỉ biết phản kháng theo bản năng, thút thít khóc một mình.
Một tiếng "bốp" vang lên, bên má trái tôi hứng một cái tát như trời giáng.
Tôi cố gắng nín khóc và
không kháng cự nữa, hoảng sợ nhìn người đàn ông không một mảnh vải che
thân trên người kia, chỉ thấy vẻ khó chịu, chán nản trên khuôn mặt ấy.
Lúc này, tôi mới nhớ đến
những lời dặn dò của mẹ. Mẹ đã dặn tôi, chồng là trời. Là thân con gái,
phải biết nghe theo lời chồng. Chồng là chúa tể, không được phản kháng,
chỉ được phục tùng.
Nhưng mẹ ơi, đồng phòng
như thế này, rốt cuộc là sai hay đúng, sao mẹ không nói cho con biết! Mẹ
chỉ nói rằng, ngày hôm nay con sẽ biết cả thôi...
Tôi không còn hơi sức để
giãy giụa nữa, đêm hôm đó, dưới sức mạnh thô bạo của chàng, tôi run rẩy
cắn chặt môi lại, lựa chọn cách thức phục tùng...
Chỉ đến khi, tôi nghi ngờ
rằng có phải chàng đang muốn giết chết tôi không thì cuối cùng, chàng
cũng dừng tất cả mọi hành động lại.
Rời khỏi người tôi, chàng lật người ngủ thiếp đi. Từ đầu tới cuối, chàng không hề nói với tôi một lời nào.
Tôi sợ người đàn ông đang
nằm bên cạnh hễ tỉnh dậy lại làm cái chuyện đáng sợ kia với tôi, vì vậy,
tôi nằm yên không dám động đậy. Cả đêm không ngủ được, tôi nằm thao
thức tới sáng.
Nằm trong một căn phòng xa lạ, lọt thỏm trong chiếc giường tân hôn, nước mắt tôi cứ thế chảy dài.
Bên cạnh tôi là một người chồng xa lạ, toàn thân tôi đau nhức và cứng đờ.
Tôi nhớ đến những người
thân của tôi, nhớ đến người mẹ thường ôm tôi vào lòng rồi lặng lẽ khóc.
Tôi nghĩ, đêm tân hôn của mẹ không biết có đau đớn và thảm hại như tôi
không.
Tôi lại nhớ đến anh họ,
nhớ đến nụ cười hồn hậu và nho nhã của chàng. Không biết tự khi nào,
nước mắt đã ướt đầm vạt áo, tôi lặng lẽ lau chúng đi.
Tấm khăn trùm đầu tượng
trưng cho may mắn và hạnh phúc được tôi cẩn thận gìn giữ suốt một ngày,
giờ đây đã bị ném xuống đất. Đôi chim uyên ương thêu trên khăn đã bị chú
rễ giẫm không thương tiếc, vậy mà màu sắc vẫn vô cùng tươi sáng.
Đêm tân hôn của tôi, nến đỏ suốt đêm rơi lệ, tôi cũng rơi lệ trọn một đêm.
Chỉ có điều, nước mắt của cây nến đỏ kia gần trong gang tấc, còn nước mắt của tôi lại chảy ngược vào tim.
Trái tim tôi không biết đã lang thang đến phương trời nào rồi. Có lẽ đến nơi có hình bóng của anh họ.
Mãi đến ngày hôm sau, qua những người hầu hạ trong nhà, tôi mới biết mình đã được gả đến nhà họ Ngô ở huyện lân cận.
Tôi mới biết được rằng, người đàn ông chung chăn gối với mình đêm qua mang họ Ngô.