Duck hunt

My lifeTiện íchNokia
Kiến thứcSức khỏe
    01:38
Trời sắp sáng rồi!
cuối trang ↓
Phấn hoa lầu xanh
chương 7-9
Bảy


  Đã ba tháng nay chàng chưa hề bước chân vào căn phòng này, tôi vốn nghĩ chàng sẽ không bao giờ đặt chân đến nơi này nữa.

   Thoáng nhìn thấy khuôn mặt không biểu lộ một chút cảm xúc của chàng khi bước vào, tôi cũng hơi chột dạ, nhưng ngay sau đó đã trấn tĩnh lại ngay. Tôi vội vàng đứng lên, suýt nữa thì làm đổ bát canh trứng.

   “Phòng của nàng sao lại lạnh như vậy! Cũng không buồn đốt lò sưởi nữa thì làm sao sống được đây?” Chàng nhăn mặt quay nhìn bốn xung quanh.

   Tôi đang cố kìm nén sự vui mừng xen lẫn một chút ấm ức trong lòng, nhẹ nhàng đưa tay giúp chàng phủi hết những bông tuyết đang bám trên tóc và trên áo. Tôi không nói gì, lại lẳng lặng đi khêu bấc cho ngọn lửa cháy to hơn, sau đó vội vàng đi chuẩn bị nước nóng cho chàng tắm rửa.

   Tôi luôn tay luôn chân bận rộn một hồi, hết chạy ra lại chạy vào.

   “Nương tử cũng nhiều nhã hứng nhỉ, một mình ngồi đây vừa ngắm tuyết vừa thưởng thức canh nóng!” Đôi môi của tướng công khẽ cong lên, trông giống như cười mà lại không cười, rồi ngồi xuống, bê bát canh lên uống.

   Một tiếng nương tử thốt lên từ miệng chàng khiến tôi vô cùng vui mừng, niềm vui ấy lấn át được cả nỗi ấm ức và đẩy nó xuống sâu tận đáy lòng.

   Chàng luôn miệng khen canh trứng nấu rất ngon.

   Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt chàng, khuôn mặt lại đỏ ửng, một cảm giác ngọt ngào trào dâng trong lòng.

   “Không phải bận rộn nữa! Nhìn bộ dạng được yêu chiều mà giật mình của nàng kìa!” Tướng công bật cười: “Ta chẳng qua đang đi dạo, ngang qua đây, chợt nhớ ra đã lâu không tới chỗ nàng nên bước vào xem thế nào”.

   Tôi dừng tay, đưa mắt nhìn tướng công một cách đầy thắc mắc.

   “Ta không qua đêm ở đây, chỉ ngồi lại một lát thôi rồi đi ngay.” Chàng chậm rãi nói rồi lại thản nhiên uống canh.

   Tôi ậm ừ một tiếng nhưng cũng không giấu nổi sự thất vọng đang dâng tràn.

   Tôi lặng lẽ lại gần bên chàng, đứng nhìn chàng ăn canh trứng.

   “Ngon thật! Là do ai trong đám người dưới nấu vậy? Sao trước giờ ta chưa bao giờ được ăn một món ngon như thế này bao giờ.” Dường như chàng cũng cảm thấy không khí có phần nặng nề, bèn tiện thể tìm một chủ đề để nói.

   “Là do tự tay thiếp nấu.” Tôi khe khẽ trả lời.

   “Nàng?” Chàng lại đưa mắt nhìn tôi, mỉm cười vẻ không tin: “Không ngờ một tiểu thư cành vàng lá ngọc như nàng mà cũng biết nấu nướng khéo léo như vậy. Ngày mai gọi đám người dưới đốt một lò sưởi ở đây đi, lạnh như thế này, làm sao mà sống được?”.

   Những lúc vui vẻ, tướng công tỏ ra là một người rất hiền hòa. Tôi nghĩ thầm, chắc sắp được làm cha nên tâm trạng tự nhiên cũng có phần thoải mái hơn.

   Nhưng trước sự quan tâm một cách vô tình của tướng công, tôi vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp.

   “Tướng công, trong phòng này rất lạnh, chàng về nghỉ sớm đi kẻo bị nhiễm lạnh.” Tôi cúi đầu thật thấp, lấy hết dũng khí mới lí nhí thốt ra được câu nói đó.

   “Ờ, đuổi ta đi hả? Ghét ta đã làm phiền tới nhã hứng thưởng thức bữa ăn đêm của nàng ư?” Chàng nhìn tôi, cất cao giọng hỏi lại.

   “Không, không! Tuyệt nhiên không phải như vậy!” Tôi cuống quýt vừa lắc đầu vừa xua xua cả hai tay, chẳng biết phải giải thích như thế nào. “Chỉ là…”

   Tôi vốn là một người kín tiếng, không thích phô trương, cũng không thích đem chuyện của mình ra nói với người khác. Sinh nhật ngày hôm nay của tôi, ngay đến cả Mai Mai cũng không được biết. Nhưng, lúc này đây, khi tôi đang lau nước mắt để tự chúc mừng sinh nhật, có người đẩy cửa bước vào, đó lại là người tôi ngày đêm mong đợi, là chỗ dựa suốt cuộc đời của tôi, là người mà tôi được sở hữu, cũng là người thân thiết nhất của tôi. Tôi bỗng nhiên lại rất muốn được nói bí mật đó với chàng, muốn được cùng chàng chia sẻ niềm vui. Nhưng tôi lại sợ nếu nói ta sẽ bị cho là làm bộ làm tịch, sợ tướng công sẽ không vui.

   Thế là, tôi lại cố gắng nuốt bí mật đó và trong lòng.

   “Nói đi, chỉ là cái gì?” Tướng công lại không có ý buông tha, cứ thúc giục tôi nói ra.

  Tôi vốn là người không biết nói dối, đành cúi đầu nói rõ sự tình: “Tiện thiếp khẩu vị vốn không được tốt, mỗi bữa thường ngày chỉ ăn được rất ít, làm gì có hứng mà thưởng thức món ăn đêm. Chỉ có điều, hôm nay là sinh nhật lần thứ mười sáu của thiếp. Trước đây, khi còn ở nhà, mẹ thường tự tay nấu cho thiếp một bát canh trứng…” Nói đến đây, nhớ lại thời thiếu nữ vô lo vô nghĩ, nhớ đến vẻ hiền từ của mẹ, nhớ lại sự cô đơn khi được gả vào nhà họ Ngô, nhớ lại mùa đông bơ vơ trong căn phòng trống… nước mắt tôi lại trào ra tự bao giờ.

   Tôi vội vàng quay người đi, đưa tay lên lau nước mắt.

   Tướng công không nói gì nữa, căn phòng bỗng trở nên vô cùng yên ắng. Nhưng dường như hơi thở của chàng có vẻ nặng nề hơn. Tôi vội vàng quay đầu lại, gắng gượng nở một nụ cười duyên dáng cùng với một chút áy náy rồi lại vội vã cúi đầu. Tôi biết, tướng công không thích nhìn phụ nữ khóc.

   “Nàng lại đây.” Một lúc lâu sau, tướng công mới chỉ chiếc ghế bên cạnh, cất giọng ra lệnh.

   Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống. Trong lòng hết sức lo lắng. Tôi cúi đầu thật thấp, không biết chàng đang muốn làm gì.

   Tướng công bê bát canh lên, dùng thìa múc một chút lòng đỏ trứng và một chút nước canh, đưa lại gần miệng thổi khẽ, rồi sau đó tự tay đưa lại gần miệng tôi.

   Tôi sửng sốt ngạc nhiên, hai mắt mở to chăm chú nhìn chàng.

   “Ăn đi.” Tướng công nói, giọng ra lệnh, dứt khoát.

   Nhưng tôi có thể thề rằng, động tác của chàng lại vô cùng mềm mại!

   Tôi không dám do dự nhiều, ngượng ngịu ăn từng thìa canh do tướng công bón.

   Ngọt quá! Ngọt hơn bất kỳ bát canh trứng nào trước đây!

   “Tướng công, thiếp…” Tôi vô cùng cảm động, tôi lại muốn khóc.

   Tướng công không thích nhìn tôi khóc, nhưng lạ thay, mỗi lần đứng trước mặt chàng, tôi lại không thể kìm được.

   Tướng công nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của tôi, đôi mày chàng khẽ nhíu lại: “Sinh nhật nàng sao không nói với mẹ một tiếng, để mẹ còn chuẩn bị cho nàng, dù sao cũng phải chúc mừng một chút chứ”.

   Tôi nhăn nhó mỉm cười, khe khẽ lắc đầu: “Thiếp biết thân phận mình nhỏ mọn, sinh nhật cũng chỉ là chuyện thường tình, đâu dám làm phiền mọi người.”

   Tướng công còn định nói gì đó, nhưng dường như lại đang nhớ ra điều gì, cuối cùng không nói thêm câu nào nữa.

   Chỉ đều đặn múc từng thìa từng thìa đưa lại gần miệng tôi, cho tới khi không còn một chút canh nào trong bát nữa mới thôi.

   Những cử chỉ nhẹ nhàng, ấm áp của tướng công khiến tôi có cảm giác như đây là lần đầu tiên được gặp chàng, lại có cảm giác như đang sống trong mơ vậy.

   Tôi khẽ liếc trộm chàng, bắt gặp chàng cũng đang nhìn mình, vẻ xấu hổ của tôi khiến chàng phải bật cười.

   Tướng công bỗng nhiên dùng hai bàn tay to lớn nắm chặt lấy tay tôi. Hai bàn tay nhỏ bé của tôi nằm gọn trong tay chàng. Tôi vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ, khẽ cựa quậy tìm cách thoát ra ngoài, bàn tay của chàng lại càng siết chặt hơn.

   Đôi tay chàng vừa to lại vừa khỏe, nhưng cũng thật ấm áp.

   “Căn phòng này không đốt lò sưởi quả là lạnh quá! Tay nàng đang lạnh cóng rồi đây này!” Tướng công nhíu mày lại nói.

   Bấy giờ tôi mới nhớ ra, tướng công đang mặc một bộ quần áo mỏng, vậy là tôi vội nhìn chàng rồi nói: “Tướng công đã có lòng tới thăm tiện thiếp, thiếp vô cùng cảm động. Hiềm một nỗi đêm khuya lạnh giá, tướng công thân thể cao quý, mau về phòng em Đinh Hương nghỉ ngơi kẻo bị nhiễm lạnh!”.

   Tôi nói mà không kịp suy nghĩ, chỉ vì sợ tướng công ở lâu sẽ bị lạnh.

   Không ngờ, người nghe câu nói đó lại có cách hiểu khác.

   Chàng khẽ nhướn đôi lông mày, cười cười: “Ta nghe ý tứ của nương tử, sao trong lời nói lại còn có ý khác?”. Chàng bỗng ghé sát vào bên tai tôi thì thầm: “Sao ta nghe trong khẩu khí của nàng toàn thấy sự chua xót?”.

   “À! Không, không… không phải vậy… tiện thiếp chỉ nghĩ rằng… không phải như tướng công nghĩ đâu…” Tôi thấy tướng công đã hiểu nhầm mình nên cứ lắp ba lắp bắp, miệng lưỡi cứng đơ lại, lo lắng tới nỗi mặt mũi đỏ bừng.

   Bộ dạng cuống quýt của tôi lại khiến tướng công bật cười, chàng chăm chú vào tôi bằng một vẻ đắc ý đầy hưng phấn.

   Trống ngực tôi lại đập loạn xạ, cúi thấp đầu xuống, vân vê chiếc khăn mùi soa đang cầm trong tay.

   Dần dần, tôi cảm nhận được hơi thở gấp gáp của tướng công ở bên cạnh mình, chàng bỗng nhiên đứng bật dậy, ôm chầm lấy tôi: “Bản thiếu gia hôm nay sẽ để nàng được toại nguyện, hôm nay ta sẽ ngủ lại tại đây!”.

   “Thiếp không nghĩ như vậy mà!” Tôi vẫn muốn giải thích, lí nhí mãi mới thốt ra được một câu.

   “Thật vậy sao?” Tướng công vẫn ôm lấy tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, dường như đã nhìn thấu tận gan ruột tôi vậy. “Thật sự không muốn ta ở lại đây sao?” Nói xong, tướng công cố ý làm bộ buông tay ra.

   “A…” Tôi bị giật mình, đưa hai tay ôm choàng lấy cổ chàng theo phản xạ tự nhiên.

   “Ha ha ha! Còn nói là không nghĩ như vậy ư? Tiểu thọ tinh của ta, nàng thử ngắm lại ánh mắt buồn bã của mình xem! Lại còn đôi tay đang ôm lấy cổ ta rất chặt này chứ! Ha ha, ta mà không cho nàng chút ơn mưa móc, không biết trong bụng nàng sẽ ngầm nguyền rủa ta tới mức nào nữa đây!” Nói đoạn, tướng công bế thốc tôi lên, tiến về phía giường ngủ.

   “Tiện thiếp không dám.” Tôi vừa xầu hổ vừa lo lắng, nhưng sâu thẳm đáy lòng tôi lại trào dâng một nỗi khát khao mong đợi cháy bỏng.

   “Mặc kệ nàng có dám hay không dám, dù sao hôm nay ta cũng phải có được nàng.”

   Lời nói thẳng thắn của tướng công khiến tôi xấu hổ tới nỗi toàn thân nóng bừng, tôi không dám ngẩng đầu, không dám nhìn chàng, bèn vùi mặt mình vào trong vòng tay của chàng…

   Đêm hôm đó, trong căn phòng giá lạnh, chúng tôi tận hưởng cảm giác ngọt ngào vô bờ.

   Thật bình yên khi được ngủ trong vòng tay của tướng công.

   Sáng sớm hôm sau, tôi còn chưa kịp tận hưởng nốt chút ấm áp hiếm có mà tướng công ban tặng thì đã bị tiếng ồn ào bên ngoài đánh thức.

   “Không xong rồi… Người đâu!”

   “Á! Máu! Nhiều máu quá, làm thế nào bây giờ?”

   “Nhanh lên! Nhanh lên! Mau đi gọi đại phu tới đây! Mời tất cả đại phu trong thành tới đây mau! Quản gia…”

“…”

   Đinh Hương đã bị ngã, cô ấy bị ngã khi đang trên đường tới phòng tôi.

   Cô ấy đi tìm tướng công, không may đã bị trượt chân trên nền tuyết trơn, bụng cô ấy bị đập mạnh vào bậc thềm.

   Dường như tất cả mọi người trong phủ họ Ngô đều đổ dồn về phía ấy, mọi người vây quanh Đinh Hương, mỗi người một tay, cẩn thận dìu cô ấy lên.

   Đinh Hương đang khóc lóc thảm thiết, phía dưới chân cô ấy, một vũng máu to đang lan rộng, những giọt máu đỏ tươi thấm dần vào lớp tuyết trắng xóa, cảnh tượng ấy khiến ai chứng kiến cũng phải run rẩy lo lắng.

   Từ trước tới giờ, tôi chưa từng biết rằng, màu đỏ khi pha với tuyết trắng, lại đỏ rực một cách đáng sợ như vậy.

   Tướng công cũng vội vàng lao tới nơi Đinh Hương bị ngã, người đàn ông mới tối qua còn vui trò cà nước với tôi giờ đang đau khổ ôm lấy đầu Đinh Hương, cặp mày thanh tú của chàng đang đan chặt lấy nhau như một đường kẻ trông thật đáng sợ. Đôi môi chàng cũng đang run lên vì lo lắng.

   Lúc bấy giờ Đinh Hương đã phát hiện ra sự có mặt của tôi, cô ấy nhìn tôi đầy thù hận. Ánh mắt ấy như đang siết chặt quanh cổ tôi, bất giác tôi khẽ rụt cổ lại, sợ rằng ánh mắt ấy sẽ giết chết tôi mất.

   Ánh mắt đó cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi, cho dù Đinh Hương đã được đưa đi, trên mặt tuyết chỉ còn lại một vũng máu đỏ; cho dù đám tuyết nhuốm máu đó đã được dọn sạch đi rồi, mặt đất lại trở nên sạch sẽ như chưa hề có chuyện gì xảy ra; cho dù sau này, khi tôi đã rời xa khỏi nhà họ Ngô… thì ánh mắt của Đinh Hương trong buổi sáng cô ấy mất đi đứa bé vẫn còn hiện lên rất rõ rang mỗi khi tôi nhắm mắt lại. Đó là một âm hồn sẽ mãi mãi ám ảnh trong tâm trí tôi.

   Đứa con trong bụng Đinh Hương đã mất rồi, chỉ có thể đổ lỗi cho tôi đã khiến con tằm mới được phôi thai trong nhà họ Ngô, chưa kịp biến thành bướm đã tan biến mất.

   Dù là vô ý hay cố ý, gián tiếp hay trực tiếp, tôi chính là hung thủ giết người.

   Không biết vị đạo sĩ xem số tướng đó đã đi đâu rồi, nhưng lời nói của ông ta quả nhiên đã ứng nghiệm – tôi là khắc tinh của đứa con trong bụng Đinh Hương.

 


Tám



   Tôi cúi thấp đầu quỳ giữa phòng. Không ai nói câu gì, căn phòng bỗng trở nên yên lặng một cách đáng sợ, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh.

   Bố và mẹ chồng ngồi trên ghế, đôi mày của bố chồng đang nhíu lại, biểu hiện vô cùng nghiêm nghị. Mẹ chồng vẫn giữ một khuôn mặt cứng đờ như mọi ngày, không ai đoán được bà đang nghĩ gì, bàn tay phải vẫn đang không ngừng lần đếm chuỗi tràng hạt. Tướng công đang ngồi bên cạnh Đinh Hương, không buồn đưa mắt nhìn tôi. Đinh Hương mặc chiếc áo khoác nhung lốm đốm như da báo, nửa ngồi nửa dựa vào lòng tướng công, chỉ có điều khuôn mặt hơi tiều tụy, tròng mắt vẫn còn đỏ hoe, thỉnh thoảng lại động đật khóe môi, ném về phía tôi một cái nhìn đầy thù hận. Một hồi lâu sau, ánh mắt ấy lại quay sang nhìn về một hướng vô định.

   Tôi quỳ gối ở đó, không dám gây ra bất cứ một tiếng động nhỏ nào, ngay cả động đậy chân tay cũng không dám, yên lặng chờ đợi sự phán quyết của số mệnh.

   Bố chồng khẽ hắng giọng, phá tan bầu không khí yên lặng.

   Mẹ chồng hiểu ý, tiếp lời của chồng, bà giơ cánh tay phải lên, chuỗi tràng hạt phát ra những tiếng kêu theo nhịp đưa của bàn tay :"Rốt cuộc, chuyện này là thế nào?".

   Không ai có thể khẳng định rằng câu nói của bà vừa rồi là đang chất vấn ông trời, đang xin ý kiến Phật tổ hay là đang tự hỏi một cách bất lực; là đang chất vấn những người có mặt hay đang chất vấn một người đang run rẩy quỳ gối dưới sàn là tôi kia.

   Kết quả là không ai dám trả lời. Đinh Hương quả là người rất thức thời, cô ấy bỗng nhiên giơ khăn mùi soa lên che miệng, bật khóc khe khẽ. Tướng công vỗ vỗ vào vai cô ấy an ủi.

   “Đinh Hương, con đừng khóc nữa. Hãy mạnh dạn kể lại mọi chuyện, ta sẽ bênh vực cho con! Bồ Tát sẽ che chở cho con! Là ai đã hại chết cốt nhục của nhà họ Ngô, ta sẽ bắt người đó nợ máu phải trả bằng máu!” Mẹ chồng nói với Đinh Hương, nhưng ánh mắt sắc lạnh lại cứ nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Tôi cảm thấy ớn lạnh, khe khẽ co người lại.

   “Vâng. Đêm hôm qua, tướng công không về phòng. Sáng sớm hôm nay, nghe đám người dưới nói, tướng công qua đêm ở phòng chị cả. Thế là Đinh Hương bèn sai họ chuẩn bị món gà hầm sâm để tướng công tẩm bổ. Đinh Hương định tự mình đến mời tướng công dùng canh gà, ai ngờ bị trượt chân ngã trước cửa phòng chị cả! Tướng công là độc đinh của nhà họ Ngô, khi biết mình có thai, Đinh Hương đương nhiên cũng biết tầm quan trọng của nó, thường ngày đi đứng hành động đều rất cẩn thận. Nhưng hôm qua không hiểu vì sao… dường như có người đang nguyền rủa Đinh Hương vậy! Nhưng Đinh Hương đã tự vấn lòng mình, trước giờ chưa đắc tội với ai cả, đứa con còn chưa chào đời trong bụng của Đinh Hương càng không thể đắc tội với ai được… Chao ôi, thật đáng thương cho đứa con còn chưa ra đời của ôi, sao con lại đoản mệnh như thế kia chứ…” Cô ấy vừa luôn miệng nói, chốc chốc lại liếc mắt về phía tôi. Khi nói xong, ra vẻ đau khổ tột cùng, ôm mặt gào khóc. Tướng công vỗ vỗ vào lưng cô ấy, ghé sát vào tai cô ấy thì thầm những câu an ủi vỗ về. Đinh Hương nức nở thêm vài tiếng rồi cũng ngoan ngoãn phục tùng.

   Tiếng khóc đã làm cho không khí trong phòng trở nên nặng nề hơn, những người có mặt trong phòng lúc bấy giờ đều bị nhuốm một tâm trạng thương cảm, đôi mắt của bà mẹ chồng vốn ăn chay niệm Phật lâu nay cũng đang đỏ hoe, đám a hoàn đứng xung quanh cũng lấy khăn tay lên lau nước mắt. Tất cả đều muốn dâng một nén hương tưởng nhớ tới sinh mệnh đã được mong đợi từ rất lâu của nhà họ Ngô.

   Tôi quỳ gối, vừa lạnh vừa sợ, khe khẽ rung rẩy. Tôi nghĩ, ánh mắt của tất cả mọi người chắc chắn đang đổ dồn vào tôi. Tiểu thiếu gia của nhà họ Ngô còn chưa kịp chào đời đã bị hại chết, người mẹ mất con chắc chắn đang rất đau khổ. Mầm sống vừa mới nhú chỉ trong một đêm đã biến mất, nhất định phải có kẻ giơ đầu chịu báng.

   Bỗng nhiên nhớ tới lời của vị đạo sĩ dạo nọ, tôi cảm thấy sống lưng ớn lạnh. Tôi chỉ thầm mong tướng công sẽ nói đỡ cho tôi vài lời.

   “Mày là một đứa không ra gì!” Bố chồng nổi giận đứng bật dậy, chỉ thẳng vào mặt tướng công mà quát mắng :”Trước đây, cứ nghĩ mày còn trẻ tuổi, không quản giáo nghiêm ngặt! Bây giờ, thê thiếp đã mang bầu rồi, mày vẫn còn bay lượn trăng gió khắp nơi! Vì sao mày không túc trực bên cạnh vợ hả?! Nói đi!”

   Tướng công rất sợ người cha nghiêm khắc đã từng giữ chức tuần phủ đại nhân kia. Chàng vội vàng đứng bật dậy, cúi gằm mặt xuống, một lúc lâu sau mới lí nhí nói :”Con… con vốn chỉ định đi dạo một chút sau bữa tối, đi đến chỗ cô ta, cô ta lại chỉ có một mình. Thấy con đến, cô ta lại lấy lý do sinh nhật ra để cầu xin con ở lại qua đêm… Con đã động lòng, không nỡ từ chối lời cầu xin đó bèn ở lại với cô ta một đêm… Bây giờ nghĩ lại, dường như cô ta đã có âm mưu sắp đặt từ trước rồi… Cô ta còn hái trộm mấy cành hoa mai trước cửa phòng mẹ về cắm ở trong phòng!”.

   Tướng công cúi đầu thật thấp, không nhìn vào mặt ai cả nhưng cụm từ “cô ta” thốt ra từ miệng chàng rõ ràng là đang ám chỉ tôi.

   Tôi không còn dám tin vào tai mình, mở to hai mắt nhìn thẳng về phía tướng công. Chàng vẫn cúi gằm mặt xuống, cố gắng né tránh ánh nhìn của tôi.

   Hồi lâu sau, bố chồng nặng nề thở dài một tiếng, khẽ lẩm bẩm trong miệng :”Gia môn bất hạnh!”. Sau đó, ông phẫn nộ bỏ đi.

   Một câu nói gia môn bất hạnh đã đủ để quyết định số phận của tôi. Nhắm mắt lại một cách tuyệt vọng, tôi bỗng nhiên cảm thấy mình có thể thản nhiên chờ đợi tai hoạ đang rơi xuống.

   Tôi phải cảm ơn sự che chở của tổ tiên, cảm ơn sự linh thiêng của Bồ Tát. Ngô gia dù sao cũng là một gia tộc lớn, luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Hơn nữa, mẹ chồng lại là người tin vào những giáo lý của đạo Phật, kết quả là tôi không phải chịu nỗi đau khổ về thể xác, tôi chỉ bị bỏ đói trong hai ngày, sau đó bị giam lỏng trong một góc nhỏ của Tây Viện. Cánh cửa buồng nơi tôi bị đưa đến thường xuyên bị khoá. Ngoài người đưa ba bữa ăn trong ngày tới, tôi không còn được gặp bất kỳ ai khác. Bởi vì, tôi là người vợ đã phạm phải tội đố kỵ.

   Nơi tôi bị giam lỏng vốn là nơi ở của một bà vú già, sau khi bà này qua đời, nơi này bị bỏ trống, thỉnh thoảng dùng để nhốt những người ở không may phạm phải tội lỗi nào đó.

   Giờ đây, chỉ có một mình tôi trong căn phòng này. Nó nằm khá xa cửa chính của gia phủ, không gian vô cùng yên tĩnh.

   Người đưa cơm hàng ngày của tôi vẫn là cô a hoàn thân cận Mai Mai. Nhưng Mai Mai từ khi nghe lời phân trần của tướng công trong buổi xét xử đã có thái độ khác hẳn đối với tôi. Nó nói rằng, hôm đó là ngày sinh nhật của nó, vậy mà tôi đã mượn cớ đó để lừa dối người khác nhằm đạt được mục đích của mình, thật là đáng xấu hổ, thật là trái với luân thường đạo lý.

   Tôi không giải thích, thậm chí ngay một câu nói tôi cũng không buồn nói nữa.

   Từ đó, tôi và Mai Mai không còn nói chuyện với nhau nữa. Hàng ngày, Mai Mai thường hờ hững đặt phần cơm của tôi ngoài cửa, giống như ban phát đồ ăn cho một con chó đang bị nhốt trong cũi sắt rồi quay người đi luôn. Nó làm như tôi là một bệnh nhân nguy hiểm, chỉ nhìn thôi cũng có thể bị nhiễm bệnh.

   Trong những đêm tuyết rơi, tôi lại ngồi nhớ về cái đêm sinh nhật của tôi và Mai Mai ấy, nhớ về nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên như hoa của chúng tôi, nhớ về những tình cảm thực sự mà chúng tôi dành cho nhau. Những lời hứa tốt đẹp đó, những câu chúc chân thành đó, những tình cảm khăng khít như chị em đó giờ đây đã tan biến theo gió. Tôi chỉ mong rằng, chiếc túi thơm mà tôi tặng Mai Mai sẽ không bị nó vứt vào thùng rác.

   Khẩu vị của tôi ngày càng kém đi, tôi càng ngày càng trở nên tiều tụy.

   Tôi thường đem phần cơm của mình làm thức ăn cho những chú chim trong sân. Trong lòng tôi luôn thầm ngưỡng mộ những sinh linh bé bỏng có cánh kia.

   Tôi khát khao mình có một đôi cánh như vậy, đặt nó trên lưng, tôi có thể bay lượn khắp nơi.

   Bay lên thoát khỏi bức tường cao vời vợi kia.

   Về phần tướng công, tôi không hề oán hận sự phản bội của chàng. Chàng là ông trời của tôi, tôi là người của chàng, tất cả mọi thứ mà tôi có, bao gồm cả tính mạng của tôi đã thuộc về quyền định đoạt của chàng từ khi tôi được chọn gả cho chàng rồi. Chỉ có cảm xúc nồng nàn của cái đêm cuối cùng đó, tôi rất sợ phải nghĩ tới. Mỗi lần hồi tưởng lại, những tình cảm ân ái đó chỉ còn là nỗi giày vò khôn nguôi.

   Nhưng bản thân tôi không thể kiểm soát nổi tư duy của mình, thi thoảng, tôi lại nhớ về những chuyện đã qua, thi thoảng, tôi lại mơ tới một cuộc trùng phùng sau thời gian dài xa cách.

   Không biết tự lúc nào, những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa đông cũng lìa cành, xoay vòng theo cơn gió rồi rơi xuống mọi ngóc ngách của khoảng sân nhỏ trước cửa buồng tôi. Đám lá vàng xơ xác như tâm trạng đau khổ tột cùng của tôi vậy.

   Một người bị giam cầm nơi thâm cung góc viện, cho dù có hàng nghìn hàng vạn nỗi buồn cũng không biết bày tỏ cùng ai.

   Từ khi bị giam giữ nơi đây, đối với tôi, thời gian dường như đã ngừng trôi. Tôi cũng không biết được sự chuyển đổi của thời gian nữa.

   Tôi chỉ có thể nhận biết được mùa xuân từ những đám cỏ non mọc lên giữa những phiến đá; biết được mùa hè từ những bông hoa đua nhau nở rực rỡ; cảm nhận được mùa thu nhờ những tia nắng mỏng manh như đôi cánh ve sầu; nhận ra mùa đông từ những đợt gió Bắc se sắt lòng người.

   Ngày tháng cứ trôi đi một cách lặng lẽ và vô vị, dường như nó cứ trôi đến vô tận, chẳng biết nơi đâu mới có điểm dừng.

   Lại một mùa gió tuyết xen lẫn mùi thơm của những bông hoa mai. Thấm thoắt đã ba năm trôi qua.

   Trong ba năm ấy, thế giới bên ngoài căn phòng giam đã có biết bao thay đổi. Thi thoảng, tôi nghe được đám người dưới nói chuyện với nhau bên ngoài cửa mới biết được một số tin tức về nhà họ Ngô. Mợ hai Đinh Hương lại có mang một lần nữa, sau chín tháng mười ngày chăm sóc chu đáo đã sinh nở mẹ tròn con vuông, tuy nhiên, đứa bé sinh ra lại là một tiểu thư khiến mọi người trong nhà ai nấy đều thất vọng. Vì mợ hai Đinh Hương xuất thân hèn kém nên dù sau ba năm tranh giành quyết liệt vẫn không leo lên được vị trí chính thất. Cô a hoàn Mai Mai đã được gả cho một ông chủ bán đậu phụ, sống một cuộc sống tự do tự tại. Mợ hai Đinh Hương đang dần dần bị thất sủng, thiếu gia lại phiêu lưu tìm thú vui ở bên ngoài, cả đêm không chịu về nhà. Bà lớn lại bắt đầu tìm hiểu, lựa chọn các cô gái con nhà danh giá, chuẩn bị hỏi về làm vợ cho thiếu gia, sau này còn có thể giúp thiếu gia cai quản cơ nghiệp…

   Những điều đó tưởng chừng như không liên quan gì tới con người cô độc đang bị giam nơi góc viện như tôi, nhưng thực ra, đó là một tín hiệu báo trước rằng, những ngày tháng ở lại nhà họ Ngô của tôi đã không còn nhiều nữa.

   Quả nhiên, khi chuẩn bị bước sang năm mới, tướng công viết một tờ giấy bỏ vợ, gửi tới chỗ tôi, lý do được ghi rõ: Được gả về phủ đã ba năm nhưng không sinh được con và mắc tội đố kỵ.

   Ba ngày trước khi cô dâu mới bước vào nhà họ Ngô, tôi bị trả về nhà mẹ đẻ.

   Ngày tôi bị đưa trả về nhà mẹ đẻ, cũng là ngày Đinh Hương bị đưa tới giam giữ trong căn phòng đã giam giữ tôi vì lời ăn tiếng nói không được lễ phép, đắc tội với bà mẹ chồng suốt ngày ăn chay niệm Phật, tay không rời khỏi chuỗi tràng hạt kia.

   Khi bốn mắt giao nhau, khuôn mặt của cả hai đều đờ đẫn. Cùng là phận đàn bà, tôi đồng cảm với cô ấy, cô ấy thương xót cho tôi. Người con gái bị bó chân, người con gái không có quyền tự do lựa chọn cuộc sống cho mình, không có quyền phản kháng lại số mệnh. Sủng ái và ruồng bỏ, nồng nàn và lạnh nhạt, tất cả chỉ trong chớp mắt, nhân quả luân hồi.

   Giờ phút đó, ân oán giữa chúng tôi bỗng dưng như được hóa giải, tôi không còn chút oán hận nào đối với cô ấy nữa.

   Ba năm trước, tôi được đưa vào Ngô phủ với tư cách là cô dâu mới, ba năm sau, tôi bị đưa ra khỏi nhà họ Ngô với thân phận của một người vợ bị ruồng bỏ.

   Chiếc kiệu được đưa ra theo lối cửa sau của phủ họ Ngô.

   Tôi cứ đăm đắm nhìn về phía sau, nếu được gặp lại người đàn ông khôi ngô tuấn tú ấy, nếu có thể nói với nhau một hai câu... thì tốt biết bao.

   Cho mãi tới khúc quanh cuối cùng, cho tới khi phủ nhà họ Ngô đã hoàn toàn biến mất khỏi tầm nhìn của tôi.

   Chàng không hề lộ diện.

   Nước mắt tôi lại ướt đầm vạt áo.

   Tướng công, chàng hẳn đã quên tiện thiếp tự lâu rồi.

 


Chín



   Trên đường trở về nhà mẹ đẻ, tâm trạng tôi là sự đan xen buồn vui lẫn lộn, một phần vì còn lưu luyến tình cảm với tướng công, một phần là nỗi mong đợi được gặp mặt người thân từ lâu nay đã trở thành hiện thực. Ngồi trên kiệu, tôi tưởng tượng ra cảnh vui mừng khi được gặp lại cha mẹ, em trai với bao tình cảm nhớ thương bấy lâu nay.

   Ba năm rồi, cuối cùng thì tôi cũng được gặp lại người mẹ ngày đêm tôi hằng mong nhớ.

   Nghĩ đến việc sắp được trở về trong vòng tay của gia đình, tôi không thể ngăn được niềm xúc động trào dâng trong lòng.

   Chiếc kiệu dừng lại trước cửa phủ nhà họ Ngụy, tôi vén tấm rèm che trước mặt ra nhìn, nhưng lại không thấy cha mẹ ra đón mình. Quản gia chạy vào trong nhà bẩm báo, một lúc sau lại chạy ngược ra, ra hiệu cho những người phu khiêng kiệu đi vào bằng lối cửa sau.

   Một dấu hiệu chẳng lành đã được báo trước.

   Tất cả đồ đạc trong căn phòng cũ của tôi dường như không hề bị thay đổi, chúng chỉ bị phủ lên một lớp bụi dày đặc, xem ra đã lâu không có người lui tới quét dọn.

   Tôi nhìn thấy chiếc diều giấy của tôi hồi còn nhỏ, nhìn thấy cây đàn, nhìn thấy chiếc giường gỗ bạch đàn được chạm trổ hình cánh hoa đã theo tôi suốt mười lăm năm. Nhớ lại cái đêm của ba năm về trước, ngày mà tôi sắp được gả về nhà họ Ngô, mẹ đã ôm tôi vào lòng trên chiếc giường đó. Mọi chuyện dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.

   Mẹ! Hai mắt tôi đã đong đầy nước mắt. Nỗi thương nhớ con gái liệu có khiến tóc mẹ bạc hơn nhiều không.

   Tôi vội vàng chạy ra ngoài, đi tìm mẹ để vấn an.

   Nhưng viên quản gia đã ngăn tôi lại ngay bên bậu cửa, nói rằng ông và bà đang có chuyện quan trọng, tạm thời không thể gặp mặt tôi được.

   “Tiểu thư, tiểu thư cứ ở lại phòng nghỉ ngơi đi đã.” Viên quản gia ôn tồn nói. Tiếng tiểu thư ông ta gọi thật ngượng ngập, tôi nghe mà cũng thấy nghịch lỗ tai.

   Trong lòng tôi dường như đã hiểu ra – từ tiểu thư nhà họ Ngụy đến mợ cả nhà họ Ngô, rồi lại đến tiểu thư, điều đó có nghĩa là gì.

   Tôi nhớ lại lời mẹ nói với tôi ba năm về trước, mẹ đã nói rằng hy vọng tôi không bao giờ quay trở về nữa.

   Như người vừa tỉnh ngộ, bây giờ, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó.

   Con gái được gả chồng cũng giống như bát nước đã đổ đi, làm sao có thể thu về được.

   Về đến nhà đã bốn ngày rồi, tôi vẫn không gặp được bất cứ người thân nào.

   Từ mong đợi ban đầu, đến thất vọng, tuyệt vọng, bây giờ là thanh thản. Tôi dần dần hiểu ra rằng, sau khi bị ruồng bỏ khỏi nhà họ Ngô, nhà họ Ngụy đã không còn chỗ dành cho tôi nữa rồi. Không được gặp người thân, đối với tôi cũng có thể là một sự giải thoát.
 
   Tôi đã quen với việc chỉ có một mình trong căn phòng trống, quen với việc vơ vẩn một mình ngắm nắng thưởng trăng. Trong những lúc cô đơn ấy, tôi thường tự nói chuyện với bản thân mình. Vườn đào bên dưới căn gác của tôi vẫn còn đó, bây giờ đang là giữa mùa đông, chưa đến kỳ hoa đào nở.

   Tôi vẫn thích được đi dạo trong vườn đào vào mỗi buổi sáng sớm để những giọt sương đêm của mùa đông thấm ướt đôi giày vải thêu hoa. Đôi khi, tôi cũng thả lỏng tâm hồn, nhớ lại kỷ niệm về mối tình đầu đã từng diễn ra ở nơi đây. Tôi còn nhớ cảm xúc của những tháng ngày trẻ trung đó, lần đầu tiên tôi có được những cảm xúc rạo rực, bồi hồi, lần đầu tiên tôi có sự đụng chạm với người khác giới, sự đụng chạm khiến người ta luôn cảm thấy vừa vui thích vừa xấu hổ. Giờ đây, đã bốn mùa xuân thu luân hồi, biết bao cánh hoa đào đã rụng, mối tình đơn phương ấy của tôi cũng đã rớt rơi theo những cánh hoa kia mất rồi.

   Chỉ còn lại những thân cây đào khẳng khiu, cô đơn đứng giữa không gian rộng lớn.

   “Chị còn mặt mũi quay trở về ư?!” Một giọng nói phẫn nộ vang lên từ phía sau. Tôi giật mình quay đầu lại.

   Là… là em trai.

   Khi tôi đi khỏi nhà, cậu ấy mới mười hai tuổi, vẫn là một cậu bé còn chưa hiểu rõ mọi chuyện. Còn nhớ, lúc nhỏ, tình cảm giữa hai chị em vô cùng sâu sắc, tôi thích ngắm gương mặt ngây thơ của nó mỗi lần ngẩng đầu lên gọi chị. Bốn năm đã trôi đi, từ một thiếu niên, em trai đã trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú.

   “Em trai!” Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Niềm vui được gặp lại người than sau bao ngày trở về nhà đã thúc giục tôi muốn kể lại những biến cố trong cuộc đời mình. Tôi xúc động tiến về phía em trai, nở một nụ cười rạng rỡ. Đáp lại là một khuôn mặt khinh bỉ.

   “Tiện nhân!” Em trai nói.

   Hai chữ ngắn gọn mà lạnh lùng đó đã bóp nát sự nhiệt tình trong tôi, tôi thậm chí còn chưa kịp thu lại nụ cười đang nở trên môi. “Em…”, tôi ngạc nhiên bội phần, cảm thấy vô cùng khó hiểu, lại có cảm giác như em trai chưa nhận ra mình, “Chị là chị Sở Sở đây mà!”.

   “Tiện nhân! Chị còn mặt mũi quay trở về ư? Tôi không có người chị như chị! Danh dự của nhà họ Ngụy đã bị chị làm cho ô uế rồi! Chị là nỗi nhục lớn của nhà họ Ngụy chúng tôi!” Em trai cất cao giọng mắng nhiếc, đôi mày nhíu lại, khuôn mặt lộ rõ vẻ khinh thường.

   “…”

   Tôi đứng chôn chân tại chỗ, không còn lời nào để nói nữa.

   “Chị còn về đây làm gì? Nếu là chị, tôi đã nhảy xuống sông tự vẫn từ lâu rồi!” Cuối cùng, em trai đã bị kích động tới nỗi gào toáng lên.

   Tôi bỗng nhiên lại cảm thấy rất bình tĩnh, sau bốn năm với bao đau đớn giày vò, tôi đã có thể thản nhiên để đối diện bất kì lời chửi mắng hay cái nhìn khinh bỉ nào.

   Tôi lặng lẽ nhìn em trai.

   Em trai tôi đã lớn thật rồi. Đã cao hơn trước nhiều, giọng nói cũng vang hơn, đã ra dáng một người đàn ông trưởng thành. Những kỷ niệm ngọt ngào, ngây thơ của bốn năm về trước đã tan theo mây khói, tôi đã không thể nắm tay cậu em trai, cùng nhau chơi thả diều trong sân hay cùng nhau đi bắt chuồn chuồn nữa.

   Em trai đã thay đổi rồi, những người thân trước đây giờ đã trở nên xa lạ, nụ cười ngày xưa đã một đi không trở lại.

   Tôi bỗng nhiên lại muốn cười, tôi cũng không thể điều khiển được khóe môi đang cong dần lên của mình nữa.

   “Chị nói đi chứ! Chị nói gì đi chứ! Giờ đây, chị rốt cuộc là họ Ngô hay họ Ngụy? Nhà chúng tôi lại có một người vợ bị ruồng bỏ ư? Chị! Chị đang cười đấy à? Chị vẫn còn cười được ư? Đúng là đồ không biết xấu hổ! Chị còn cười… hừ!” Em trai học theo cách nói của người lớn, lắc đầu một cách tuyệt vọng. “Gia môn bất hạnh!”

   Cuối cùng, em trai phẩy tay áo rồi bỏ đi.

   Gia môn bất hạnh… câu này chắc chắn là em trai học được từ chỗ của cha rồi. Tôi có thể hình dung ra vẻ mặt đau khổ của cha khi đứng trước bàn thờ gia tiên thốt lên bốn từ đó.

   Gia môn bất hạnh. Tôi còn nhớ, bố chồng cũng dành những từ đó để ban phát cho tôi.

   Rốt cuộc là sự bất hạnh của tôi đã làm ảnh hưởng tới gia môn hay sự bất hạnh của gia môn đã đổ hết lên người tôi.

   Rốt cuộc thì tôi đã làm gì, tôi đi đến nhà nào thì nhà đó trở nên bất hạnh. Tôi đau khổ suy nghĩ, tôi thực sự không tìm được câu trả lời – thực sự là tôi không làm gì cả.

   Tôi đã bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc đời.

   Tình thân nghĩa nặng luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; công bằng chính trực luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; quyền được lựa chọn luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; niềm vui hạnh phúc luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông… cả thế giới này chỉ xoay chuyển xung quanh người đàn ông, vậy tại sao còn phải sinh ra đàn bà?

   Nếu ngay từ đầu đã không cần đến tôi, vậy còn nuôi dưỡng tôi khôn lớn để làm gì?

   Tôi mang theo tất cả những khúc mắc trong lòng và đi đến bên hồ nước, thản nhiên cởi bỏ đôi giày, cẩn thận đặt chúng một cách ngay ngắn.

   Nếu tôi không phải họ Ngô thì cũng không thể mang họ Ngụy được nữa rồi, nếu như tôi đã là thứ thừa thãi trong con mắt của mọi người, vậy thì, em trai nói rất đúng, tốt nhất là biến mất, cứ coi như từ trước tới giờ không có sự hiện diện của tôi, như vậy từ nay gia môn sẽ vô cùng may mắn.

   Gió thổi ù ù bên tai, tôi đứng nhìn chăm chú rồi cúi lạy ngôi nhà đã nuôi dưỡng tôi trong suốt mười lăm năm.

   Cuối cùng, ánh mắt tôi dừng lại trên mặt hồ, tôi đã rất thân quen với nơi này ngay từ khi còn bé. Tôi biết trong làn nước sâu thăm thẳm kia có những chú chép vàng to lớn. Tôi cũng biết rằng dưới lớp bùn ở đáy hồ kia có những mầm hoa sen, mùa hè, những bông sen đua nhau đâm chồi rồi khoe sắc trên mặt hồ.

   Nhưng tôi lại không biết nước hồ sâu bao nhiêu. Giờ đây, trước mắt tôi là mặt nước xanh đen, im lìm, toàn một không khí chết choc, trừ một vài gợn sóng nhỏ lăn tăn theo chiều thổi của cơn gió.

   Bây giờ đang là giữa mùa đông, nước hồ lạnh vô cùng. Hai chân tôi vừa chạm xuống nước, toàn thân đã rùng mình ớn lạnh.

   Tôi bắt đầu do dự, bắt đầu cảm thấy lo sợ. Tôi đứng bơ vơ bên hồ nước, nước mắt lại trào ra. Tôi phải chết như thế này sao?

   Nhưng nghĩ tới sự ghẻ lạnh của người thân, sự khinh miệt của người đời, toàn thân tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tôi cắn chặt răng lao mình xuống nước.

   Cha, mẹ, con gái bất hiếu. Kiếp sau con xin nguyện làm một người đàn ông, báo đáp lại công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, nguyện sẽ trọn đời hầu hạ bên cạnh cha mẹ.

   Nước hồ lạnh buốt như cắt da cắt thịt, tôi còn nhớ, lúc ngã xuống, tôi đã quẫy đạp trong lòng hồ vài nhịp. Nếu tôi chết đi rồi, liệu có ai khóc cho tôi không. Nếu tôi chết đi rồi, vài năm sau nữa, liệu còn ai nhắc tới tên tôi không…

   Tôi dần dần mất đi ý thức, chìm sâu trong làn nước trong xanh.

   Tôi vốn dĩ không nên có mặt trên đời này, bây giờ là lúc tôi cần ra đi.

   Khi mặt hồ yên lặng trở lại, đó cũng chính là lúc thế gian được yên bình.

 


«« chương trước | chương tiếp »»
Ý kiến bạn đọc





đầu trang ↑
admin: VC
vcdhc@yahoo.com


Thanks to Xtgem
Wellcome to Xtgem and discover functions!